LSVNO – Trước sự việc Công ty ALMA gửi Công văn yêu cầu luật sư Trương Anh Tú không được phát ngôn hay đưa ra những phân tích để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại, Luật gia Việt Nam) có phân tích như sau:
Theo tôi, vấn đề đặt ra ở đây là đối tượng của Hợp đồng có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Theo ALMA, đối tượng Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ ở đây không phải là hoạt động cho thuê phòng thông thường mà là dịch vụ lưu trú, là việc Công ty cung cấp cho khách hàng quyền được sử dụng (hoặc trao đổi/ mua bán) quyền nghỉ dưỡng hoặc quyền sở hữu kỳ nghỉ theo các điều khoản của Hợp đồng; không phải là hoạt động kinh doanh bất động sản hay hoạt động cho thuê phòng thông thường mà khách hàng khi mua quyền nghỉ dưỡng sẽ lựa chọn tuần nghỉ cố định trong năm và loại hình không gian nghỉ dưỡng xác định, chứ không có quyền sở hữu bất động sản nào phát sinh.
Tuy nhiên, nếu đối tượng của hợp đồng là dịch vụ lưu trú thì công ty ALMA khi kinh doanh phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại điều 64 Luật Du lịch và Điều 18 Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/06/2007 quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch. Còn hiện giờ, ALMA đang kinh doanh cái mà họ chưa có, cũng như các điều khoản trong Hợp đồng không rõ ràng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng thì luật sư Tú có quyền lên tiếng về vấn đề này.
Theo quy định tại Điều 4 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội, phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật; quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật; và hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức, cá nhân khác.
Điều đó có nghĩa là, bất cứ ai – nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa mà có hành vi xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng đều có quyền và trách nhiệm lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng hay tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc lên tiếng cảnh báo, tố cáo này phải có cơ sở, có căn cứ, đúng sự thật; nếu chỉ là những nhận định mang tính chất vu khống, sai sự thật thì sẽ vi phạm quy định của pháp luật.
Theo Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015
Nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cho rằng những lời cảnh báo, vu khống này là sai sự thật, xâm phạm đến hình ảnh, uy tín, danh dự… của mình thì có quyền tự bảo vệ bằng các biện pháp cần thiết, hợp pháp (như yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm) hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình; buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ, buộc bồi thường thiệt hại…
Ở đây, ALMA cho rằng những nhận xét của luật sư Tú là sai sự thật, xâm phạm quyền dân sự của họ thì họ có quyền gửi văn bản thông báo để đề nghị luật sư Tú chấm dứt các hành vi đó. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định một chiều từ phía ALMA; còn luật sư Tú nếu sau khi nhận được văn bản yêu cầu của ALMA, trong đó có phản hồi về những thông tin mà luật sư Tú đã phản ánh nhưng vẫn thấy không hợp lý, những phản ánh của luật sư Tú mới đúng với sự thật khách quan, dựa trên quy định của pháp luật thì có quyền không thực hiện các yêu cầu của ALMA.
Hiện nay, chỉ thông qua các thông tin báo chí thì chưa có đủ cơ sở để nhận định ALMA hay Luật sư Trương Anh Tú mới là bên đưa ra những thông tin, phản hồi chính xác về tính chất của Dự án. Nếu yêu cầu của ALMA là không đúng, luật sư Trương Anh Tú có quyền không thực hiện hoặc đưa sự việc ra cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.
Tuy nhiên, cho dù thế nào thì tôi cho rằng bất cứ một luật sư nào cũng phải đảm bảo hoạt động nghề nghiệp của mình góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xứng đáng với sự tin cậy của xã hội. Việc lên tiếng đối với các sự việc có vi phạm, xâm phạm đến lợi ích của khách hàng, của người dân để cảnh báo họ không chỉ là quyền tự do ngôn luận của công dân mà còn là trách nhiệm của luật sư, miễn sao đảm bảo đúng theo khuôn khổ của pháp luật.
Nếu ALMA nhận thấy công văn của mình không phù hợp thì họ có quyền rút lại công văn trên và thương lượng với luật sư Tú về các vấn đề khác có liên quan, phát sinh từ công văn này như bồi thường thiệt hại, xin lỗi, cải chính thông tin… (nếu có)./.
Trước đó, Dân Trí đã đăng tải thông tin, vào ngày 13/6/2017, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú nhận được công văn của phía ALMA yêu cầu không được lên tiếng bảo vệ quyền lợi của những khách hàng mua sở hữu kỳ nghỉ cũng như không được có những phát biểu liên quan đến hoạt động của công ty này… Trước những yêu cầu được cho là “trơ trẽn” trên, luật sư Trương Anh Tú đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.
Trong nội dung Công văn gửi Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, phía ALMA đồng thời cũng gửi kèm đến một số các đơn vị như Bộ Tư pháp, Đoàn luật sư Việt Nam để răn đe Luật sư… trong đó nêu rõ yêu cầu phía luật sư Tú không được đưa tin cũng như việc tham gia bảo vệ quyền lợi của những khách hàng đã mua sản phẩm sở hữu kỳ nghỉ.
Theo đó, nội dung công văn của ALMA đã đưa ra những lập luận như ở trên, xung quanh việc Luật sư Trương Anh Tú đã có những bài phân tích về khái niệm sở hữu kỳ nghỉ tại Việt Nam cũng như việc lên tiếng bảo vệ quyền lợi của các khách hàng đã bị “dụ dỗ”… như vậy là không đúng và yêu cầu phải dừng ngay…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
http://lsvn.vn/nghien-cuu-trao-doi/trao-doi/luat-su-lien-tieng–23364.html
Facebook Comments