Nhiều khách hàng đã sở hữu kỳ nghỉ tại dự án Alma của Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường đang “tố” công ty này có nhiều dấu hiệu “lừa bịp”?
Nên cẩn trọng ?
Sở hữu kỳ nghỉ (Timeshare) được định nghĩa là việc mua kỳ nghỉ trong một khoảng thời gian cố định trong năm, kéo dài một, hai hoặc vài chục năm tại căn hộ của một khu nghỉ dưỡng (resort) nào đó. Khách hàng khi sở hữu kỳ nghỉ có thể sử dụng dịch vụ tại một resport cố định hoặc trao đổi Timeshare của mình với resort khác trong hệ thống các resort có kết nối là thành viên của của một hệ thống.
Trên thế giới, Timeshare đã có lịch sử ra đời phát triển hơn 50 năm, mang lại nhiều lợi ích không chỉ với chủ đầu tư mà cả khách hàng sử dụng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khi áp dụng loại hình sở hữu kỳ nghỉ này vào thị trường du lịch nghỉ dưỡng, nó đã xuất hiện nhiều “biến tướng” khó lường gây rủi ro rất lớn cho khách hàng!
Theo đó, gần đây báo Gia đình Việt Nam đã nhận được rất nhiều đơn thư phản ánh của bạn đọc là khách hàng đã sở hữu kỳ nghỉ tại dự án Alma của Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường “tố” công ty này có nhiều dấu hiệu “lừa bịp” khách hàng.
Cụ thể, anh Phan Lưu S. (Hoàng Mai, Hà Nội) một trong những khách hàng đã mua kỳ nghỉ tại dự án này cho biết, năm 2014, anh đã ký hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ” với công ty TNHH Khu Du Lịch Vịnh Thiên Đường để thuê một căn hộ (lặp lại trong thời hạn khoảng 40 năm) thuộc Khu nghỉ dưỡng cao cấp Alma, Khu Du lịch Bắc Bán Đảo Cam Ranh, Cam Lâm, Khánh Hòa).
Tuy nhiên, đầu năm 2015, gia đình anh có qua dự án thì choáng váng nhận ra dự án vẫn là bãi cát hoang. Đến gần 1 năm sau khi ký hợp đồng, dự án Alma mới hoàn thành việc thử nghiệm cọc, thông tin này anh S. được biết qua website của Alma.
“Tính đến nay, tôi đã nộp tới gần 170 triệu đồng và được sử dụng 2 lần dịch vụ. Trong đó có một lần gia đình tôi không sử dụng quyền nghỉ dưỡng (1 tuần tại khách sạn 5 sao) nên đã được công ty Vịnh Thiên Đường “bán” giúp với giá.. 2 triệu đồng” – anh S. cho biết.
Bên cạnh đó, cũng theo anh S., những dịch vụ nghỉ dưỡng được Công ty Vịnh Thiên Đường quảng cáo là chất lượng 5 sao thì cũng chỉ là một dạng nhà nghỉ du lịch thông thường khiến anh S và rất nhiều khách hàng khác của dự án này vô cùng thất vọng.
Đáng nói hơn, theo anh S. cho biết, khi có ý định muốn đòi lại tiền đặt cọc anh đã liên hệ với công ty TNHH Khu Du Lịch Vịnh Thiên Đường, tuy nhiên, anh đã nhận được câu trả lời rằng, tiền đã nộp cho công ty rồi thì không trả lại. Chính vì vậy, anh S. cho rằng mình đã bị lừa đảo.
Trường hợp của anh Phan Lưu S. chỉ là một trong rất nhiều khách hàng đã tin tưởng và đầu tư một khoản tiền không nhỏ vào sở hữu kỷ nghỉ tại dự án Alma. Tuy nhiên, họ không những đã không đạt được sự hài lòng, lại còn đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng tiền mua quyền sở hữu kỳ nghỉ tại dự án này.
Tiềm ẩn qua nhiều rủi ro tại Alma?
Theo giới thiệu trên website dự án alma.vn, được biết, khu nghỉ dưỡng Alma có quy mô trên 30ha. Dự án là sự kết hợp hài hòa nét thanh lịch, tinh tế của người Á Đông với phong cách kiến trúc phương Tây hiện đại. Tại Alma, những hoạt động vui chơi giải trí… cùng nhiều dịch vụ tiện ích khác được chú trọng thiết kế để đem lại một kỳ nghỉ sôi động cho cả gia đình.
Thông qua mô hình Sở hữu kỳ nghỉ, Alma muốn gửi tặng các gia đình Việt Nam cơ hội trải nghiệm những kỳ nghỉ cao cấp với mức chi phí hợp lý nhất, cùng tỉ suất sinh lời chắc chắn của một hình thức đầu tư thông minh. Trở thành chủ sở hữu cùa Kỳ nghỉ trọn đời tại Alma, các gia đình Việt Nam cũng sẽ có các cơ hội tương tự để thực hiện việc trao đổi kỳ nghỉ, đi du lịch và khám phá khắp nơi trên thế giới…
Quảng cáo hoành tráng là thế, tuy nhiên, trên thực tế, được biết, đến đầu năm 2015, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Alma mới hoàn thành việc thử nghiệm cọc và đến thời điểm hiện tại vẫn đang thi công với tiến độ hết sức “ì ạch”. Trong khi đó, từ năm 2014, dự án này đã bán và ký hàng loạt Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với khách hàng.
Việc làm “cầm đèn chạy trước ô tô” của Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường tại dự án này đang khiến nhiều khách hàng đã sở hữu kỳ nghỉ vô cùng hoang mang, lo lắng. Câu hỏi là dư luận đặt ra ở đây là liệu Alma có phải là dự án do công ty này “vẽ” ra để che mặt khách hàng nhằm mục đích bán kỳ nghỉ ở các dự án liên kết khác?
Bên cạnh đó, việc tiến độ dự án triển khai quá chậm, cùng với đó là hành động nôn nóng khi bán hàng của chủ đầu tư khi dự án còn chưa “thành hình” nhiều ý kiến cũng cho rằng công ty TNHH Vịnh Thiên Đường đang gặp khó khăn về tài chính dẫn không có tiền để tiếp tục triển khai dự án?
Nếu giả thiết này của dư luận là thật, vậy không hiểu tương lai của những khách hàng đã sở hữu kỳ nghỉ tại dự án Alma sẽ ra sao khi mà dịch vụ nghỉ dưỡng không đáp ứng yêu cầu, trong khi dự án thực thì không biết đến bao giờ mới có thể đưa vào sử dụng. Đây có lẽ cũng là bài học “nhãn tiền”, là lời cảnh báo đối với những khách hàng đang có ý định sở hữu kỳ nghỉ tại dự án này nên cẩn trọng nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Về những vấn đề khúc mắc của khách hàng tại dự án Alma, Vietsec đã đặt lịch làm việc với Công ty Vịnh Thiên Đường, tuy nhiên, suốt thời gian dài trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được một câu trả lời chính thức từ phía công ty này.
FROM: VIETSEC
Facebook Comments